Đặc sản Cốm dẹp An Giang

Cốm dẹp An Giang còn gọi “om bok”, là một trong những món ăn đặc sản, có truyền thống từ lâu đời của bà con đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và đối với bà con Khmer ở tại tỉnh An Giang.

Cớm dẹp An Giang

Ở đây, quanh năm suốt tháng có đủ lượng  Cốm để tiêu thụ trên thị trường và giao cho thương lái đến mua, chủ yếu là vào đầu tháng 10 âm lịch. Thời điểm này khi đi qua 2 ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2, ai nấy đều nghe rộn ràng với tiếng chày giã cốm để chuẩn bị lượng cốm dẹp cung cấp cho lễ hội Ok om bok (đút cốm dẹp), còn gọi là lễ cúng trăng, vì lễ này được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch là ngày trăng tròn của tháng Kadek theo tín ngưỡng dân gian. Ý nghĩa của lễ này nhằm tưởng nhớ đến công ơn của thần mặt trăng đã giúp mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt; phù hộ bà con phum sóc yên lành hạnh phúc. Từ những công cụ thô sơ, đơn giản, không máy móc, chất liệu rẻ tiền, người Khmer đã làm nên một món ăn dân dã nhưng rất đặc trưng và hấp dẫn từ sự sáng tạo và cần cù trong lao động.

Theo các nghệ nhân và người dân ở đây cho biết: nghề làm cốm dẹp là một trong những nghề đã xuất hiện từ rất sớm của đồng bào Khmer. Tuy đã tồn tại và phát triển từ lâu, được duy trì cho đến nay, nhưng chưa có tài liệu nào ghi chép cụ thể về nghề truyền thống làm cốm dẹp đặc sản An Giang này cả, cho nên việc truyền đạt nghề của bà con từ đời này sang đời khác chủ yếu hướng dẫn làm trực tiếp, theo dạng cha truyền con nối.

Để có món cốm dẹp dẻo thơm phải dùng loại nếp vừa chín tới. Nếp ngâm nước khoảng vài phút trước khi bỏ vào nồi rang chín thật đều. Khi hạt nếp vừa giòn thì cho vào cối, dùng cối bồng, chày bằng gỗ để giã. Mỗi mẻ cốm dẹp cần 4 người, trong đó có 2 người cầm chày giã, một người đảo, trộn cốm và một người sàng lọc cốm cho sạch bụi.

Thưởng thức cốm

Ăn cốm vừa mới giã xong có thể cảm nhận được mùi ngon đặc trưng của nếp. Tuy nhiên cốm vừa giã xong được đem trộn với dừa nạo, đường cát, thêm chút nước dừa độ chừng 15 phút cho mềm, xốp và dẻo hơn. Cốm dẹp có thể ăn bằng muỗng, cuốn với bánh tráng ngọt, bánh phồng. Nếu dùng lá chuối, lá sen bọc cốm lại, lá cũng sẽ vấn vương mùi cốm. Vị thơm của nếp rang, vị béo của dừa và ngọt của đường làm cho món ăn có hương thơm ngon, lưu lại mãi.

Thưởng thức đặc sản cốm dẹp truyền thống thì dùng tay bốc cho vào miệng sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh thanh của đường, mùi thơm của nếp, vị béo của dừa, tất cả hòa cùng tạo nên sự đậm đà khó quên. Ngày nay khi tiếp khách người Khmer thường dùng chén, muỗng để ăn. Ăn bốc chỉ còn dùng trong lễ hội Ok om bok (lễ cúng trăng).

(AGQT)